Trong giai đoạn hiện nay, làm việc theo hình thức remote (làm việc từ xa) đang là xu thế mới và phát triển rất mạnh mẽ. Làm việc ở nhà đều có lợi cho cả người làm lẫn chủ doanh nghiệp, khi người làm không cần phải lặn lội đến công ty, chủ doanh nghiệp cũng không cần lo văn phòng, mặt bằng cho người làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng kiếm được việc làm remote hay online, bởi nhiều lý do khách quan như: cạnh tranh, năng lực, lương thưởng... Rất nhiều người còn bị lừa một số tiền từ nhỏ đến lớn chỉ vì tin vào những việc làm online "trong mơ". Hãy dừng lại vài phút để học thêm những kiến thức bổ ích, tránh bị lừa đảo khi tìm việc qua mạng.
- Đa cấp luôn có "văn mẫu".
Trong những group facebook tuyển dụng, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp các bài viết tuyển dụng với vị trí "chốt đơn", "kinh doanh" với mức lương cao, từ 2 triệu trở lên cho một tuần hay lên đến 28 nghìn, 35 nghìn cho một giờ làm. Trong khi đó, với những người có kinh nghiệm và những vị trí cao hơn ngoài thực tế, mức lương của họ lại không cao như vậy. Vậy thì tự hỏi, với những bài post có thông tin không yêu cầu kinh nghiệm, ca làm linh hoạt nhưng lương lại cao hơn so với thị trường rất nhiều; có đáng tin hay không?
Đa cấp thường hay dùng chung một văn mẫu và đăng nhiều nơi ở nhiều tài khoản. Chung quy lại sẽ có các thông tin như "tuyển các bạn từ 18-22 tuổi", lương "28k/h", "ca làm linh hoạt"... Chúng thường sẽ nhắm vào các bạn sinh viên và các bạn trẻ, vì các bạn còn trẻ, dễ đánh vào tâm lý kiếm tiền hơn.
- Tài khoản tuyển dụng rất "ảo".
Thường những tài khoản mạng xã hội của đa cấp rất dễ nhận biết. Chúng thường để avatar là gái xinh, trai đẹp, vào trong trang cá nhân thì không thấy bài đăng, nếu có thì rất ít và lượt tương tác rất lèo tèo. Những tài khoản này chính là để lừa đảo nên chẳng có thông tin gì cả. Trong một số ít trường hợp, tài khoản lừa đảo trông rất thật, nhưng nên cảnh giác, đừng vội vàng tin lời người mình chưa gặp mặt.
Thêm một đặc điểm nhận dạng nữa là các tài khoản đa cấp hay để thông tin là từng học ở trường Đại học này, trường Đại học kia, nhưng đó chỉ là mạo danh, là thông tin giả để tăng độ uy tín trong mắt "con mồi" mà thôi.
- Lúc trao đổi thông tin thì sẽ cố gắng để moi tiền bạn.
Hình thức lừa đảo này rất quen thuộc nhưng vẫn rất nhiều người sập bẫy. Bước đầu, các đối tượng này sẽ lôi kéo bạn vào nhóm chat của chúng trên ứng dụng telegram. Tại đây, những tài khoản ảo của chúng sẽ liên tục gửi bill chuyển tiền vào trong nhóm, để bạn tin rằng đây là một công việc được trả lương uy tín. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu nạp vào tài khoản của chúng một số tiền nhỏ rồi được hoàn về số tiền lớn hơn một chút. Lần thứ hai cũng tương tự. Đến những lần sau đó, con số bắt đầu tăng lên tiền triệu thì tiền của bạn một đi không trở về nữa. Hình thức lừa đảo này đánh vào lòng tham của bạn. Trên đời này chẳng có chuyện kiếm tiền mà không cần làm gì hết như thế.
Trong một số trường hợp khác, thay vì lừa đảo qua telegram, chúng sẽ trực tiếp gửi cho bạn link độc, lừa bạn tạo tài khoản rồi nhập số tài khoản ngân hàng vào. Lúc này, nếu bạn thực sự làm theo, chỉ ít phút sau tài khoản của bạn sẽ không còn một cắt. Trong những trường hợp tệ hơn, chưa cần nhập thông tin gì cả, chỉ cần bạn nhấn vào link lạ thôi là tài khoản đã tự động bị hack rồi.
Vẫn còn rất nhiều hình thức lừa đảo khác thông qua tìm việc online. Bạn hãy cố gắng tìm việc từ những nơi uy tín như các trang lớn, trang tuyển dụng chính thức có tích xanh của công ty, hay tốt nhất là vẫn nên đến trực tiếp nơi muốn ứng tuyển để xin việc. Chúc các bạn sớm tìm được việc làm ưng ý!